Tiêu chuẩn chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam

Tiêu chuẩn chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam được quy định ở đâu và quy định như thế nào? Đây là nội dung thắc mắc Ban biên tập nhận được từ email của chị Thu (thu***@yahoo.com)

Tiêu chuẩn chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam được quy định tại Điều 5 Quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, viên chức quản lý thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1808/QĐ-BHXH năm 2017 như sau:

1. Trình độ.

a) Chuyên môn nghiệp vụ:

Có trình độ đại học hệ chính quy trở lên thuộc các chuyên ngành đào tạo phù hợp chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Ngành như bảo hiểm xã hội, lao động tiền lương, quản trị nhân lực, tài chính, kinh tế, kế toán, luật, hành chính công, y, dược, công nghệ thông tin... (sau đây gọi chung là chuyên ngành phù hợp).

Trường hợp trình độ đại học hệ không chính quy, chỉ xem xét đối với cán bộ từ 45 tuổi trở lên và phải có bằng tốt nghiệp sau đại học chuyên ngành phù hợp. Đối với cấp trưởng phải được đánh giá có năng lực nổi trội, uy tín, tín nhiệm cao trong nguồn cán bộ chung của ngành.

Riêng đối với Tổng biên tập Báo, Tạp chí yêu cầu có trình độ đại học chuyên ngành báo chí.

b) Lý luận chính trị: Có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

c) Quản lý Nhà nước:

- Thủ trưởng yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng chương trình ngạch chuyên viên cao cấp.

- Phó Thủ trưởng yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng chương trình ngạch chuyên viên chính trở lên.

d) Ngoại ngữ, tin học.

- Biết ít nhất một ngoại ngữ thông dụng trình độ tương đương tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ ngạch chuyên viên chính.

- Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị văn phòng phục vụ cho công tác (Có chứng chỉ tin học trình độ đạt chuẩn kỹ năng theo tiêu chuẩn trình độ tin học ngạch chuyên viên).

2. Năng lực.

a) Có năng lực quản lý, điều hành các hoạt động của đơn vị; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

b) Có năng lực tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Ngành.

c) Có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp quy hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu xây dựng hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy, các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

d) Có khả năng tổng kết thực tiễn để tham mưu giúp Lãnh đạo Ngành hoạch định chiến lược quản lý vĩ mô; dự báo, định hướng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và phục vụ cho hoạt động chung của ngành.

đ) Có khả năng tham gia biên soạn tài liệu tập huấn, giảng dạy, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho cấp dưới.

e) Có khả năng thực hiện chức trách, nhiệm vụ quy định đối với ngạch chuyên viên chính trở lên và chức trách, nhiệm vụ quy định đối với Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và các chức vụ tương đương ở các cơ quan thuộc Chính phủ.

g) Có khả năng tập hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị; được cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị tín nhiệm.

3. Điều kiện.

a) Có thâm niên công tác ít nhất 10 năm đối với chức danh Thủ trưởng, 08 năm đối với chức danh Phó Thủ trưởng (không kể thời gian tập sự), trong đó có thâm niên công tác trong Ngành ít nhất 03 năm. Trường hợp tăng cường cán bộ từ ngoài Ngành thì không tính thâm niên công tác trong Ngành.

b) Có đầy đủ hồ sơ cá nhân, lý lịch được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng, không vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị.

Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1808/QĐ-BHXH năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào