Tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp do chính phủ phủ bảo lãnh

Tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp do chính phủ phủ bảo lãnh được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn! Minh Hân - Đồng Nai

Tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp do chính phủ phủ bảo lãnh được quy định tại Điều 30 Nghị định 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, theo đó: 

1. Doanh nghiệp là đối tượng được bảo lãnh hoặc cá nhân, tổ chức có liên quan đến dự án đầu tư vay vốn được Chính phủ bảo lãnh thực hiện thế chấp tài sản cho cơ quan cấp bảo lãnh chính phủ (Bộ Tài chính) theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản thế chấp để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh đối với Bộ Tài chính là tài sản hình thành từ vốn vay, vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tài sản khác từ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn hợp pháp khác của đối tượng được bảo lãnh hoặc tài sản của tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh.

3. Giá trị tài sản thế chấp tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, được xác định như sau:

a) Đối với quyền sử dụng đất: được xác định theo quy định tại bảng khung giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có tài sản, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan;

b) Đối với các tài sản khác đã hình thành từ khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tài sản khác thuộc sở hữu của đối tượng được bảo lãnh, của tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh: được xác định theo giá trị sổ sách phù hợp với quy định của pháp luật, do một công ty kiểm toán độc lập xác nhận và được sự chấp thuận của bên nhận thế chấp (Bộ Tài chính);

c) Đối với tài sản hình thành trong tương lai từ khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh: bằng giá thỏa thuận trong các hợp đồng thương mại đã ký được tài trợ từ khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; khi quyết toán dự án bằng chi phí thực tế phải trả để hình thành tài sản theo hóa đơn chứng từ liên quan được phê duyệt.

4. Tài sản thế chấp phải được Đối tượng được bảo lãnh quản lý, sử dụng đúng mục đích. Không được dùng tài sản đã thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định này.

5. Tài sản thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho trừ trường hợp được sự đồng ý của Bộ Tài chính. Giá trị tài sản thế chấp được đánh giá lại theo quy định của pháp luật. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm thế chấp tài sản khác để bảo đảm cho dư nợ còn lại của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều này trước khi thực hiện giải chấp tài sản đã thế chấp ban đầu.

6. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp trong suốt thời gian thực hiện nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh.

7. Chính phủ quyết định việc thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong trường hợp không thể thực hiện được theo quy định của pháp luật, hoặc khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, hoặc khi tài sản thế chấp trở thành tài sản của Nhà nước trước khi khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hết hiệu lực hoặc việc bảo lãnh được thực hiện theo chỉ định của cấp có thẩm quyền.

Trên đây là tư vấn về tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp do chính phủ phủ bảo lãnh. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Nghị định 91/2018/NĐ-CP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trái phiếu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào