Người bị tù treo có bị tước quyền công dân?

Chào các bạn, em trai tôi vừa qua, trong lúc mâu thuẫn với ông hàng xóm về lối đi chung, do quá nóng giận nó đã đánh ông ta, ông báo công an thế là em tôi bị buộc tội cố ý gây thương tích, nhưng do nhân thân em tôi tốt, thành thật hối lỗi nên nó được hưởng án treo. Tôi nghe nói người bị án treo thì bị tước quyền công dân có phải không? Mỹ Hạnh - Bến Tre

Căn cứ theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:

- Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

- Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

- Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.

- Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

- Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Theo đó, tại Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định như sau:

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Tại Khoản Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định tước một số quyền công dân như sau:

- Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

+ Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

+ Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

- Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

=> Như vậy, người hưởng án treo chỉ bị tước một số quyền công dân theo quy định chứ không phải là tước toàn bộ quyền công dân bạn nhé. Theo đó, người hưởng án treo nên thực hiện tốt Nghĩa vụ của người được hưởng án treo tại Điều 64 Luật thi hành án hình sự 2010 nhé, để mong sớm được xóa án tích.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người bị tước một số quyền công dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào