Công chức hải quan vi phạm về kỷ cương, kỷ luật, quy tắc ứng xử bị xử lý kỷ luật như thế nào?

Tôi tên Nam Nguyễn có tìm hiểu về Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan, theo đó có vấn đề chưa rõ lắm, nhờ anh/chị hỗ trợ giúp: Công chức hải quan vi phạm về kỷ cương, kỷ luật, quy tắc ứng xử bị xử lý kỷ luật như thế nào? 

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Quyết định 2799/QĐ-TCHQ năm 2018 về Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành, có quy định về xử lý, kỷ luật đối với vi phạm về kỷ cương, kỷ luật, quy tắc ứng xử như sau:

1. Các hành vi vi phạm về kỷ cương, kỷ luật, quy tắc ứng xử của công chức Hải quan chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì được xử lý theo Phụ lục I kèm theo Quy chế này.

2. Người vi phạm một trong những hành vi sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng thì xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức Khiển trách:

a) Tự ý phát ngôn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, của Ngành.

b) Gây bè phái, mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

c) Không thực hiện các quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ.

d) Uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; hút thuốc tại nơi có quy định cấm trong cơ quan; vi phạm luật giao thông hoặc các tệ nạn xã hội gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc đến mức bị cơ quan có thẩm quyền thông báo về cơ quan tổ chức đơn vị nơi công chức Hải quan đang công tác hoặc bị đăng tải trên phương tiện thông tin làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của Ngành; tự ý bỏ việc, nghỉ việc không xin phép hoặc đã xin phép nhưng chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền theo quy định.

đ) Đưa, ép buộc hoặc hẹn gặp người dân, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức ngoài Ngành đến những nơi, vị trí ngoài công sở, không phải là địa điểm, vị trí được quy định dùng để giải quyết công việc, để tiếp dân, doanh nghiệp hoặc ngoài giờ làm việc với mục đích gây phiền hà, sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, quà biếu hoặc lợi ích khác.

e) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về kỷ cương, kỷ luật và quy tắc ứng xử của công chức Hải quan.

3. Áp dụng hình thức kỷ luật Cảnh cáo đối với một trong các trường hợp sau:

a) Cố ý kéo dài thời gian cung cấp tài liệu, không ký biên bản thanh tra, kiểm tra khi là đối tượng thanh tra, kiểm tra hoặc là người đại diện cho tổ chức là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

b) Bán, cầm cố, tặng, cho mượn trang phục, phù hiệu, giấy chứng minh hải quan dẫn đến người khác sử dụng vào việc trái pháp luật; mang mặc trang phục hải quan khi ăn, uống ở hàng quán; viết, vẽ lên trang phục; sửa chữa, thay đổi quy cách, kiểu dáng, màu sắc và chất liệu của trang phục; sử dụng trang phục sai mục đích.

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Áp dụng hình thức kỷ luật Hạ bậc lương việc đối với một trong các trường hợp sau:

a) Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật, sử dụng thông tin tài liệu liên quan đến nghiệp vụ hải quan để vụ lợi.

b) Lợi dụng trách nhiệm, nhiệm vụ được giao nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhận tiền, quà hoặc các lợi ích khác ngoài quy định gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Ngành.

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 3 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

5. Áp dụng hình thức kỷ luật Giáng chức, Cách chức, Buộc thôi việc đối với vi phạm một trong những quy định tại khoản 4 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công chức hải quan

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào