Thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện ra sao?

Thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hữu Thắng, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến về luật sư và hành nghề luật sư tại Việt Nam. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Hữu Thắng (huuthang*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 47 Luật Luật sư 2006 thì thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư được quy định cụ thể như sau:

- Tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

+ Tự chấm dứt hoạt động;

+ Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động;

+ Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tất cả các thành viên của công ty luật hợp danh, thành viên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;

+ Công ty luật bị hợp nhất, bị sáp nhập;

+ Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết.

- Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 47 Luật Luật sư 2006 thì chậm nhất là ba mươi ngày, trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh.

Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư; thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng. Trong trường hợp không thể thực hiện xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.

- Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 47 Luật Luật sư 2006 thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Đoàn luật sư, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư; đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.

- Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 47 Luật Luật sư 2006 thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết, Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Đoàn luật sư, cơ quan thuế ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Việc giải quyết quyền, nghĩa vụ về tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Luật sư 2006.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tổ chức hành nghề luật sư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào