Biện pháp cam kết trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng khi nào?

Việc áp dụng biện pháp cam kết trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi Ngọc Huệ. Hiện tại, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động phòng vệ thương mại. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, việc áp dụng biện pháp cam kết trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Ngọc Huệ (ngochue*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về biện pháp phòng vệ thương mại thì việc áp dụng biện pháp cam kết trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp được quy định cụ thể như sau:

- Sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời và chậm nhất 30 ngày trước khi kết thúc giai đoạn điều tra, nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc chính phủ của Bên bị yêu cầu trong trường hợp điều tra chống trợ cấp (sau đây gọi là Bên đề nghị) có thể gửi cam kết loại trừ bán phá giá, trợ cấp (sau đây gọi là cam kết) bằng văn bản tới Cơ quan điều tra.

- Cam kết bao gồm các nội dung chính sau đây:

+ Phạm vi hàng hóa;

+ Giá tham chiếu bao gồm giá tự xác định, mức tăng giá, phương án điều chỉnh giá;

+ Nghĩa vụ thông báo định kỳ;

+ Nghĩa vụ hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình thực hiện cam kết;

+ Các nội dung khác do Cơ quan điều tra xác định là phù hợp.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được cam kết, Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm xem xét và báo cáo để Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định.

- Cam kết được xem xét dựa trên các căn cứ sau đây:

+ Việc áp dụng cam kết có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;

+ Cơ chế quản lý hiện tại có thể giám sát hiệu quả việc thực hiện cam kết;

+ Khả năng lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua cam kết;

+ Các yếu tố khác mà Cơ quan điều tra xác định là phù hợp.

- Cơ quan điều tra chỉ xem xét cam kết của Bên đề nghị đã hợp tác đầy đủ trong giai đoạn điều tra. Trong quá trình xem xét cam kết, Cơ quan điều tra có thể đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết. Trường hợp Bên đề nghị chấp nhận điều chỉnh nội dung cam kết, Bên đề nghị phải gửi cho Cơ quan điều tra văn bản cam kết sau khi điều chỉnh.

- Cơ quan điều tra thông báo công khai nội dung cam kết cho các bên liên quan. Các bên liên quan có quyền gửi ý kiến bình luận bằng văn bản trong thời hạn được quy định trong thông báo. Trong trường hợp nội dung cam kết có chứa thông tin yêu cầu bảo mật, Bên đề nghị thực hiện bảo mật theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc áp dụng biện pháp cam kết trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chống bán phá giá

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào