Quy định về Sa thải

Pháp luật lao động quy định về vấn đề sa thải như thế nào? Trường hợp nào được sa thải người lao động?

Sa thải là hình thức kỷ luật nặng nhất mà Người sử dụng lao động có quyền áp dụng đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động ở mức độ nghiêm trọng.

Theo ngôn ngữ thông thường thì sa thải là việc “đuổi việc” đối với người lao động. Theo qui định tại điều 85 Bộ luật lao động, người sử dụng lao động có thể sa thải người lao động khi người lao động có một trong những hành vi sai phạm sau đây:

a) Trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;

b) Đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;

c) Tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.

Qua đó cũng cho thấy, nếu ai đó đi làm và bị sa thải, mà lý do sa thải không thuộc các trường hợp như nêu ở trên, thì có thể đoan chắc là mình đã bị sa thải trái luật. Chẳng hạn: không thể bị sa thải vì lý do “làm việc kém hiệu quản”.

Thông thường, trong Nội qui lao động của công ty sẽ qui định cụ thể và chi tiết hơn những trường hợp nào thì sẽ bị sa thải. Trước khi sa thải, Người lao động phải tiến hành việc xử lý kỷ luật lao động theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật qui định (bao gồm tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật lao động và chứng minh được sai phạm của người lao động).

Sau khi bị sa thải, người lao động sẽ không được hưởng một cách đầy đủ các quyền lợi như trong trường hợp thôi việc bình thường.

Nếu Người lao động cho rằng mình bị sa thải oan, trái luật thì có quyền khởi kiện ra tòa án, đề nghị hủy quyết định sa thải.

Lưu ý là qui định về sa thải nói trên là thuộc mối quan hệ theo hợp đồng lao động giữa Người sử dụng lao động và Người lao động. Điều này khác với các trường hợp “sa thải” khác – chẳng hạn như báo chí hay viết “Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã sa thải huấn luyện viên Riedl” thì nhiều khả năng thuộc trường hợp “đơn phương chấm dứt hợp đồng” và hợp đồng giữa hai bên cũng không phải là hợp đồng lao động.

 
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào