Xử phạt đối với Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm trong lĩnh vực hải quan

Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm trong lĩnh vực hải quan được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Văn Phong, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm trong lĩnh vực hải quan được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Văn Phong (nguyenphong*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP thì hình thức xử lý và biện pháp khắc phục hậu quả đối với Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm trong lĩnh vực hải quan được quy định cụ thể như sau:

- Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày hết hạn trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người bị cưỡng chế mà Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng không thực hiện trích toàn bộ hoặc một phần tương ứng số tiền thuế, tiền phạt phải nộp từ tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan hải quan, khi mà tại thời điểm nhận được quyết định cưỡng chế, tài khoản tiền gửi của người bị cưỡng chế có số dư đủ hoặc thừa so với số tiền thuế, tiền phạt phải nộp thì bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với trường hợp người nộp thuế bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế hoặc bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp không thực hiện các quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực hải quan.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương, thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế của cơ quan hải quan.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử, nội dung giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế mở tại tổ chức tín dụng liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định của pháp luật;

+ Thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan.

Ngoài ra, theo quy định tại hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư 155/2016/TT-BTC thì các quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 127/2013/NĐ-CP không áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là đối tượng nộp thuế. Tổ chức, cá nhân là đối tượng nộp thuế có hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin thì xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định 127/2013/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức xử lý và biện pháp khắc phục hậu quả đối với Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hải quan

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào