Quy trình xử lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt

Quy trình xử lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt được quy định thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Cà Mau. Trong quá trình làm việc, tôi có quan tâm và tìm hiểu thêm về hoạt động giám sát tài chính cũng như hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Qua một vài tài liệu, tôi được biết có nhiều hình thức giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trong đó có giám sát đặc biệt. Vậy, quy trình xử lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt được tiến hành ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Minh Tuyên (tuyen***@gmail.com)

Ngày 06/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. 

Nghị định này quy định về:

- Giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

- Giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại đối với doanh nghiệp nhà nước.

- Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.

- Công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, quy trình xử lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 26 Nghị định 87/2015/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 200/2015/TT-BTC. Cụ thể bao gồm:

1. Phối hợp doanh nghiệp tiến hành phân tích, đánh giá các nguyên nhân chính dẫn tới khả năng mất an toàn tài chính của doanh nghiệp.

2. Phối hợp doanh nghiệp xây dựng phương án khắc phục các khó khăn tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp cần cơ cấu lại tổ chức, hoạt động kinh doanh, tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải tiến hành phê duyệt phương án cơ cấu lại của doanh nghiệp trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án của doanh nghiệp.

Phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại phải quy định rõ đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm triển khai; kết quả cụ thể khi hoàn thành phương án; thời hạn bắt đầu và dự kiến hoàn thành; các điều kiện cần và đủ để triển khai phương án và nhu cầu hỗ trợ trong phạm vi quy định của pháp luật (nếu có).

Cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể thuê tư vấn giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu nghiên cứu và đánh giá phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại doanh nghiệp. Chi phí thuê tư vấn được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

3. Quy định tần suất báo cáo, các tiêu chí giám sát và cơ chế phản hồi thông tin giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp và các bên liên quan khác (nếu cần).

4. Giám sát doanh nghiệp thực hiện phương án đã được phê duyệt.

5. Phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tiến hành phân tích, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, công tác quản lý tài chính, điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa ra ý kiến chỉ đạo đối với doanh nghiệp.

6. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức kiểm tra doanh nghiệp nhằm đánh giá tính trung thực, chính xác về các chỉ tiêu trong các báo cáo của doanh nghiệp; công tác quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của Ban điều hành doanh nghiệp; công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính và các nguồn lực khác của doanh nghiệp.

Việc kiểm tra phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Kết thúc kiểm tra phải có báo cáo, kết luận về những nội dung kiểm tra và đưa ra những khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

7. Trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý trong trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện các yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính mà kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp không được cải thiện.

8. Đánh giá, quyết định đưa doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt ra khỏi Danh sách giám sát tài chính đặc biệt khi doanh nghiệp đã phục hồi, không còn các dấu hiệu mất an toàn tài chính và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát theo quy định tại Nghị định này. Cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định kết thúc giám sát tài chính đặc biệt. Quyết định này được thông báo tới cơ quan tài chính cùng cấp.

9. Doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt sau khi kết thúc thời hạn áp dụng phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại mà chưa phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, phương án khắc phục thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chuyển đổi sở hữu hoặc sắp xếp lại doanh nghiệp theo quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về quy trình xử lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào