Phương pháp quyền uy – phục tùng của Luật hành chính có đặc điểm gì?

Đặc điểm của phương pháp quyền uy - phục tùng của Luật hành chính được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Bến Tre. Trong quá trình công tác, tôi có tìm hiểu thêm các kiến thức về một số lĩnh vực luật trong đó có Luật hành chính. Qua một số tài liệu, tôi được biết, hiện nay Luật hành chính sử dụng hai phương pháp điều chỉnh là quyền uy - phục tùng và phương pháp thỏa thuận. Vậy,  phương pháp quyền uy – phục tùng của Luật hành chính có đặc điểm gì? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Hoàng Anh (anh***@gmail.com)

Như chúng ta đã biết, phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là tổng thể những biện pháp, cách thức, phương thức mà ngành luật đó sử dụng để tác động lên ý chí, hành vi của các bên tham gia vào quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh.

Theo đó, phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính là cách thức, biện pháp tác động lên các chủ thể trong quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành - điều hành phát sinh trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động hành chính nhà nước. 

Xuất phát từ tính chấp hành - điều hành trong quan hệ hành chính nên phương pháp điều chỉnh đặc trưng của Luật hành chính là phương pháp quyền uy - phục tùng.

Đặc trưng của phương pháp này được thể hiện như sau: trong hai bên của quan hệ hành chính, bên này phải phục tùng ý chí của bên kia chẳng hạn như: quan hệ giưa các cơ quan hành chính cấp trên và cấp dưới; giữa các cơ quan hành chính nhà nước và công dân;...Cụ thể, bên được trao quyền hạn mang tính quyền lực nhà nước là bên được ra các quyết định mang tính đơn phương, kiểm tra hoạt động của bên còn lại, được áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật còn bên còn lại bắt buộc phải thi hành, phục tùng các quyết định, biện pháp này. Chẳng hạn, công dân được quyền xin cấp đất xây dựng nhà ở tuy nhiên việc xem xét và quyết định có cấp hay không là quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước và khi quyết định đã ban hành, công dân phải chấp hành quyết định, tất nhiên, pháp luật cũng đồng thời cho phép người dân được thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về đặc điểm của phương pháp quyền uy - phục tùng của Luật hành chính. Nếu có vướng mắc vấn đề gì về mặt pháp lý, bạn vui lòng liên hệ Ngân hàng Hỏi - Đáp pháp luật để được giải đáp thêm.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào