Trách nhiệm của Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong kiểm định xe cơ giới là gì?

Trách nhiệm của Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong kiểm định xe cơ giới là gì? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang là sinh viên năm 3 trường Đại học giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, sắp tới đây tôi sẽ làm một bài tiểu luận nghiên cứu về việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu tôi gặp một số khó khăn. Vì thế, tôi có một thắc mắc nhờ Ban biên tập giải đáp như sau: Trách nhiệm của Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong kiểm định xe cơ giới được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Rất mong nhận được giải đáp kịp thời và nhanh chóng từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe các anh/chị!  Quỳnh Lam (lam***@gmail.com)

Trách nhiệm của Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong kiểm định xe cơ giới được quy định tại Điều 16 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

1. Thực hiện việc kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới theo quy định. Người đứng đầu Đơn vị đăng kiểm, phụ trách dây chuyền, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ thực hiện kiểm định phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định.

2. Công khai trình tự, thủ tục, nội dung, quy trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian làm việc.

3. Thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo theo quy định. Truyền số liệu kiểm định, bảo quản mật khẩu và cập nhật số liệu cảnh báo từ mạng dữ liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định.

4. Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định của cơ quan chức năng. Báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải khi có kết quả kiểm tra.

5. Quản lý, cấp phát các loại ấn chỉ, chứng chỉ kiểm định đúng quy định.

6. Thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, đăng kiểm viên và nhân viên, chống tiêu cực trong hoạt động kiểm định của đơn vị.

7. Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì độ chính xác, tình trạng hoạt động của thiết bị, dụng cụ kiểm định theo quy định. Báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải địa phương khi thiết bị, dây chuyền kiểm định ngừng hoạt động.

8. Quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị; nhắc nhở chủ xe không để tiền, đồ vật có giá trị trên xe khi vào kiểm định.

9. Triển khai thực hiện việc tiếp nhận đăng ký kiểm định trước (qua điện thoại, trang thông tin điện tử, email) cho xe cơ giới khi chủ xe có nhu cầu.

10. Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn hàng năm và dài hạn cho đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong đơn vị để đảm bảo và nâng cao trình độ kiểm định xe cơ giới.

Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong kiểm định xe cơ giới. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.

Trân trọng thông tin đến bạn!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào