Đại biểu Quốc hội có được tham gia điều hành doanh nghiệp hay không?

Đại biểu Quốc hội có được tham gia điều hành doanh nghiệp hay không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tình cờ đọc báo tôi thấy có bài viết thảo luận về quyền điều hành doanh nghiệp của đại biểu Quốc hội. Trong đó có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhờ các chuyên gia giải đáp giúp tôi, vậy theo quy định pháp luật thì đại biểu Quốc hội có được điều hành doanh nghiệp hay không? Rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ của Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!  Văn Chung (chung***@yahoo.com)

Đối với thắc mắc của bạn, hiện nay, quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp được quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể như sau:

1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Còn Đại biểu Quốc hội Việt Nam là người được cử tri Việt Nam trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua Quốc hội, nhân dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước.

Trước tiên phải khẳng định ĐBQH (hoặc đại biểu HĐND) không phải là cán bộ, công chức nhà nước mà là những người do dân cử, trừ trường hợp ĐBQH đảm nhiệm các chức vụ theo nhiệm kỳ của Quốc hội như: chủ tịch, phó chủ tịch, chủ nhiệm các ủy ban Quốc hội…, được hưởng lương, các chế độ từ ngân sách nhà nước.

Chính vì vậy, ĐBQH không bị cấm thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, tư vấn cho các doanh nghiệp liên quan bí mật nhà nước.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp của Đại biểu Quốc hội. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật Doanh nghiệp 2014.

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử phạt vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào