Tiêu chuẩn của tiêu chí Chương trình, giáo trình trong kiểm định chất lượng trường trung cấp, cao đẳng

Tiêu chuẩn nào cần phải đạt được đối với tiêu chí Chương trình, giáo trình trong kiểm định chất lượng trường trung cấp, cao đẳng? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Thanh Giang, hiện đang công tác tại trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Tôi được biết vừa có văn bản mới quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp sắp có hiệu lực. Liên quan đến lĩnh vực này, tôi có câu hỏi muốn nhờ ban biên tâp tư vấn, cụ thể như sau: Theo quy định mới này thì trong kiểm định chất lượng trường trung cấp, cao đẳng, tiêu chí Chương trình, giáo trình cần đạt những tiêu chuẩn nào? Văn bản này cụ thể là văn bản nào? Rất mong nhận được sự phản hồi, chân thành cảm ơn! (0945***).

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư 15/2017/TT-BLĐTBXH Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực ngày 24/07/2017) thì đối với tiêu chí Chương trình, giáo trình, trường trung cấp, cao đẳng phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau:

a)Tiêu chuẩn 1:  Đào tạo các chuyên ngành hoặc nghề mà trường đào tạo.

b) Tiêu chuẩn 2: 100% chương trình đào tạo được xây dựng hoặc lựa chọn theo quy định.

c) Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo của trường thể hiện được mục tiêu đào tạo của trình độ tương ứng; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học đạt được sau tốt nghiệp; phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với từng mô đun, môn học, từng chuyên ngành hoặc nghề và từng trình độ theo quy định.

d) Tiêu chuẩn 4: Chương trình đào tạo được xây dựng có sự tham gia của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật của đơn vị sử dụng lao động; thực hiện theo quy định đặc thù của ngành nếu có.

đ) Tiêu chuẩn 5: Chương trình đào tạo đảm bảo tính thực tiễn và đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động.

e) Tiêu chuẩn 6: Chương trình đào tạo được xây dựng bảo đảm việc liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định.

g) Tiêu chuẩn 7: Ít nhất 3 năm 1 lần trường thực hiện đánh giá, cập nhật và điều chỉnh nếu có đối với chương trình đào tạo đã ban hành.

h) Tiêu chuẩn 8: Chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo có cập nhật những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến liên quan đến ngành, nghề đào tạo hoặc tham khảo các chương trình đào tạo tương ứng của nước ngoài.

i) Tiêu chuẩn 9: Trước khi tổ chức đào tạo liên thông, trường căn cứ chương trình đào tạo, thực hiện rà soát các mô đun, tín chỉ, môn học và có quyết định đối với các mô đun, tín chỉ, môn học mà người học không phải học để đảm bảo quyền lợi của người học.

k) Tiêu chuẩn 10: Có đủ giáo trình cho các mô đun, môn học của từng chương trình đào tạo.

l) Tiêu chuẩn 11: 100% giáo trình đào tạo được xây dựng hoặc lựa chọn theo quy định để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.

m) Tiêu chuẩn 12: Giáo trình đào tạo cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng mô đun, môn học trong chương trình đào tạo.

n) Tiêu chuẩn 13: Giáo trình đào tạo tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực.

o) Tiêu chuẩn 14: Hằng năm, trường thực hiện việc lấy ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật của đơn vị sử dụng lao động, người tốt nghiệp về mức độ phù hợp của giáo trình đào tạo; thực hiện theo quy định đặc thù của ngành nếu có.

p) Tiêu chuẩn 15: Khi có sự thay đổi về chương trình đào tạo, trường thực hiện đánh giá, cập nhật và điều chỉnh nếu có đối với giáo trình đào tạo đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Trên đây là những tư vấn về tiêu chuẩn của tiêu chí Chương trình, giáo trình trong kiểm định chất lượng trường trung cấp, cao đẳng. Hi vọng rằng giải đáp trên sẽ giúp ích được nhiều cho quý độc giả. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể tìm và tham khảo thêm tại Thông tư 15/2017/TT-BLĐTBXH.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trường trung cấp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào