Sắp sinh con có ly hôn được không?

Sắp sinh con có ly hôn được không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Khánh Linh, hiện đang sinh sống ở Vĩnh Long, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn. Chuyện là tôi đã mang thai được hơn 8 tháng, nhưng chồng tôi cứ suốt ngày rượu chè be bét, khi nhậu về lại đánh đập tôi mặc dù tôi đang mang thai. Không thể chịu nổi, tôi đã quyết định đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Khi hoà giải tại toà, thẩm phán khuyên tôi sắp sinh vì thế nên rút đơn. Nếu tôi không làm vậy, ông cũng không chấp nhận xử cho ly hôn. Xin hỏi, ông thẩm phán có quyền nói với đương sự như vậy không? Tôi phải làm gì để được ly hôn? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, khoản 3 Điều này quy định chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (quy định này trong một chừng mực nào đó nhằm hướng tới bảo vệ bà mẹ và trẻ em). Điều luật không hạn chế người vợ yêu cầu ly hôn khi đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, với quy định nói trên thì bạn hoàn toàn có quyền nộp đơn yêu cầu xin được ly hôn mặc dù đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Về trách nhiệm của tòa án khi giải quyết vụ án ly hôn:

Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Điều 10 Luật tố tụng dân sự 2015 quy định tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm tổ chức phiên hòa giải. Phiên hòa giải bắt buộc phải có sự tham gia của thẩm phán và thư ký tòa án ghi biên bản phiên họp.

Tuy nhiên, việc thẩm phán yêu cầu bạn rút đơn là không đúng quy định của pháp luật. Thẩm phán có quyền giải thích cho bạn ý nghĩa của việc rút đơn cũng như hậu quả pháp lý của việc rút đơn chứ không có quyền yêu cầu bạn phải rút đơn. Mặt khác, thẩm quyền bác đơn xin ly hôn thuộc Hội đồng xét xử nhưng cũng phải dựa trên các quy định của pháp luật. 

Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt.

Trường hợp bạn không rút đơn thì tòa án phải mở phiên tòa để xét xử vụ án. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì tại phiên tòa, bạn có nghĩa vụ phải chứng minh tình trạng hôn nhân của vợ chồng đã thỏa mãn quy định tại Điều 56 nói trên. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định cuối cùng thuộc về Hội đồng xét xử. Trường hợp bạn không đồng ý với phán quyết của tòa án thì có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc ly hôn khi sắp sinh con. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để nắm rõ nội dung này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giành quyền nuôi con khi ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào