Cách thức ủy quyền sử dụng nhà ở

Cách thức ủy quyền sử dụng nhà ở được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Diệp Vân, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn. Chị họ tôi có một căn nhà 4 tầng tại Hà Nội không sử dụng. Nay tôi muốn thuê lại nhưng chị tôi lại muốn ủy qyền sử dụng cho tôi. Vậy nếu tôi nhận ủy quyền thì phải thực hiện như thế nào và khi được ủy quyền thi có trách nhiệm, quyền lợi gì với ngôi nhà? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! Email: diep.vants***@gmail.com

Chào bạn, theo như trình bày của bạn, chị họ muốn ủy quyền cho bạn sử dụng căn nhà, Ban biên tập xin đưa ra tư vấn về cách thức thực hiện hợp đồng ủy quyền nhà ở như sau:

Về cách thức tiến hành hợp đồng ủy quyền sử dụng nhà ở:

Bạn muốn nhận ủy quyền sử dụng nhà ở thì trước tiên bạn và chị bạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 119 Luật Nhà ở 2014. Khi xác định hai bên đều đáp ứng tất cả các điều kiện thì việc ủy quyền thực hiện theo các bước sau:

Bưới 1. Lập hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở. Trong hợp đồng bắt buộc phải có các điều sau:

- Họ và tên và địa chỉ của các bên;

- Mô tả đặc điểm của nhà ở và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. 

- Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn ủy quyền quản lý nhà ở

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Cam kết của các bên;

- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên.

Ngoài ra hai bên có thể thỏa thuận thêm điều khoản trong hợp đồng nếu thấy cần thiết như quyền cho thuê lại, quyền sửa chữa căn nhà nếu cần, bồi thường trong trường hợp làm hỏng…

Bước 2. Công chứng hợp đồng: không bắt buộc.

Theo Khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì hợp đồng ủy quyền sử dụng nhà ở  không bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên việc công chứng sẽ có giá trị pháp lý hơn nếu bạn thực hiện. Việc công chứng có thể thực hiện tại Phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng.

Căn cứ Khoản 2 điều 55 Luật Công chứng 2014 thì trong trường hợp bạn và chị bạn không thể cùng đến một nơi để thực hiện công chứng thì đầu tiên chị bạn phải  yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng tại nơi cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; sau đó bạn phải yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi bạn cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này. 

Về trách nhiệm, quyền lợi của bên nhận ủy quyền:

Nghĩa vụ của bên được ủy quyền được quy định tại Điều 565 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.

Quyền của bên được ủy quyền được quy định tại Điều 566 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

2. Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nhà ở

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào