Phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định thế nào? Xin chào các bạn trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Gia Khương, hiện đang công tác tại UBND quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. Gần đây, do nhu cầu công việc, tôi có tìm hiểu về quy chế làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, tôi được biết Bộ trưởng có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng đối với hoạt động của Bộ. Vậy, pháp luật quy định ra sao về phạm vi cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng? Nội dung này do văn bản nào điều chỉnh? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Gia Khương (0902****)

Phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy chế làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông, ban hành kèm theo Quyết định 727/QĐ-BTTTT. Cụ thể như sau:

a) Những công việc thuộc thẩm quyền quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ, các văn bản pháp luật liên quan và những công việc quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Những công việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc uỷ quyền.

c) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

d) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính theo thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Ngành.

đ) Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng có thể trực tiếp giải quyết một số công việc đã giao cho Thứ trưởng nhưng vì nội dung vấn đề cấp bách hoặc quan trọng, hoặc do Thứ trưởng đi công tác vắng.

e) Trực tiếp giải quyết những việc liên quan đến từ hai Thứ trưởng trở lên nhưng các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau.

g) Khi vắng mặt và nếu thấy cần thiết, Bộ trưởng phân công một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng lãnh đạo công tác của Bộ và giải quyết công việc do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách.

h) Khi Thứ trưởng vắng mặt và nếu thấy cần thiết, Bộ trưởng phân công Thứ trưởng khác xử lý hoặc trực tiếp xử lý công việc của Thứ trưởng vắng mặt.

i) Quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến Ngành theo thẩm quyền.

k) Những công việc cần được thảo luận trong tập thể Lãnh đạo Bộ trước khi Bộ trưởng quyết định:

- Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.

- Chương trình công tác, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và dài hạn của Ngành; các đề án quan trọng của Bộ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Chương trình hành động, kế hoạch của Ngành triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của cấp trên đã ban hành.

- Các chương trình, dự án trọng điểm của Ngành.

- Phân bổ dự toán thu, chi, kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm.

- Công tác tổ chức bộ máy và nhân sự của Bộ theo quy định.

- Báo cáo hàng năm về tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước và kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành của Bộ.

- Những vấn đề về ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, kế hoạch thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.

- Những vấn đề khác mà Bộ trưởng thấy cần thiết phải đưa ra thảo luận.

l) Trong trường hợp không có điều kiện tổ chức thảo luận tập thể, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, đơn vị chủ trì đề án phối hợp với Văn phòng Bộ lấy ý kiến các Thứ trưởng, trình Bộ trưởng quyết định.

Sau khi các Thứ trưởng đã có ý kiến, Bộ trưởng là người đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 727/QĐ-BTTTT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào