Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng. Vì vậy, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình quy định thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Minh Khánh (khanh***@gmail.com)

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình được quy định tại Điều 38 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 như sau:

1. Dự án đầu tư chỉ được thực hiện, công trình chỉ được thi công khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Dự án đầu tư, công trình không nằm trong quy hoạch, kế hoạch, không bảo đảm các điều kiện quy định, không đúng quy trình, thủ tục đầu tư phải bị đình chỉ hoặc hủy bỏ.

2. Giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

3. Thi công công trình phải đúng thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; đúng tiến độ đã được phê duyệt. Chủ đầu tư, chủ dự án phải chịu trách nhiệm kiểm tra, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng thời gian thi công, thi công đúng thiết kế, sử dụng nguyên liệu, vật liệu theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình và tiến độ thi công.

4. Tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với chủ đầu tư, chủ dự án; phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực, gây lãng phí trong quá trình thi công.

5. Chủ đầu tư, chủ dự án có trách nhiệm:

a) Xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí để giao cho nhà thầu thực hiện;

b) Không được tự ý thay đổi thiết kế, dự toán công trình hoặc giá trúng thầu đã được duyệt; tiến hành nghiệm thu và quyết toán công trình theo đúng quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thực hiện dự án đầu tư

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào