Xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành Ngân hàng

Tôi hiện đang công tác trong ngành ngân hàng. Vì lý do công việc nên tôi rất quan tâm tới các quy định liên quan đến thanh tra chuyên ngành Ngân hàng. Tôi có thắc mắc như sau gửi đến Quý anh chị: Xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành Ngân hàng được quy định như thế nào? Rất mong sớm nhận được phản hồi, tôi cảm ơn nhiều. Khánh Nguyên

Xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành Ngân hàng được hướng dẫn tại Điều 24 Thông tư 36/2016/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng, theo đó:

Điều 24. Xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra

1. Sau khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra và báo cáo bổ sung, làm rõ (nếu có) của Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra.

2. Dự thảo kết luận thanh tra phải có các nội dung sau đây:

a) Khái quát về đối tượng thanh tra;

b) Tình hình tài chính đối tượng thanh tra;

c) Kết quả kiểm tra, xác minh: Trình bày chi tiết kết quả kiểm tra, xác minh thực tế đối với từng nội dung thanh tra, nêu rõ các quy định pháp luật làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm (nếu có);

d) Kết luận: Kết luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra; đánh giá, nhận xét về việc vi phạm của các đối tượng có liên quan; xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm quy định pháp luật, hậu quả, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với từng vi phạm (nếu có); đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro, các rủi ro tiềm ẩn và hiệu quả hệ thống quản trị điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro của đối tượng thanh tra (nếu có); đánh giá tình hình tài chính của đối tượng thanh tra; kết luận khác (nếu có);

đ) Kiến nghị: Kiến nghị các biện pháp xử lý đối với các vi phạm phát hiện qua thanh tra (nếu có); kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng (nếu có); kiến nghị, yêu cầu đối tượng thanh tra có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật (nếu có); kiến nghị xử lý khác (nếu có).

3. Trong quá trình xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra.

4. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định.

Quyết định trưng cầu giám định được thực hiện theo Mẫu số 17-TTr; Văn bản về việc trưng cầu giám định được thực hiện theo Mẫu số 18-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trường hợp gửi Dự thảo kết luận thanh tra để đối tượng thanh tra giải trình thì việc giải trình của đối tượng thanh tra phải thực hiện băng văn bản kèm theo các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra.

Nội dung tiếp thu ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, ý kiến tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về Xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành Ngân hàng, được quy định tại Thông tư 36/2016/TT-NHNN. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Dự thảo

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào