Các trường hợp phạm tội trốn không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

Các trường hợp phạm tội trốn không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ được pháp luật quy định như thế nào?

a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình
 
Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 259 đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự ( xem điểm a khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự). Tức là chủ thể của tội phạm tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình (tự thương)
 
b) Lôi kéo người khác phạm tội
 
Trường hợp phạm tội này cũng hoàn toàn tương tự với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 259 đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự ( xem điểm c khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự ). Người mà người phạm tội lôi kéo phải là chủ thể cả tội phạm này. Tức là họ cũng là quân nhân dự bị và cũng có lệnh gọi nhập ngũ, nhưng bị người phạm tội khác lôi kéo nên đã không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ; người bị lôi kéo không phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết “lôi kéo người khác phạm tội”, mà chỉ người lôi kéo mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết này.
 
Nếu người phạm tội lại lôi kéo người khác phạm một tội khác, chứ không phải tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ, thì cũng không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260, mà tùy trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội mà người phạm tội lôi kéo người khác thực hiện. Ví dụ A là quân nhân dự bị hạng 1 đã có lệnh gọi nhập ngũ. Vì không muốn nhập ngũ, nên A rủ B không phải là quân nhân dự bị góp vốn đi buôn lậu thì bị bắt với giá trị hàng phạm pháp là 200 triệu đồng. Khi bị bắt về hành vi buôn lậu, Cơ quan điều tra mới phát hiện A là quân nhân dự bị đã có lệnh gọi nhập ngũ nhưng trốn tránh việc nhập ngũ. A bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “ buôn lậu ” và tội “ không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ ”
 
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 260 thì bị phạt tù hai đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng
 
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 260 cũng phải cân nhắc thận trọng, vì tội phạm này là tội phạm nghiêm trọng và nó chỉ xảy ra khi đất nước có chiến tranh, có lệnh tổng động viên hoặc có lệnh động viên cục bộ hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có những mức độ giảm nhẹ không đáng kể và thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 260, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm về nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào