Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường thì xử lý thế nào?

Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường thì xử lý thế nào? Hiện tại, trong khu dân cư nhà tôi sinh sống tại Hà Nội đang xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một hộ gia đình bên cạnh vườn nhà tôi có nuôi mấy chục con heo, không xây hầm biogas và chất thải chăn nuôi được thải thẳng xuống ao, hồ bên cạnh hộ gia đình đó bị bốc mùi hôi thối và mùi hôi thối nồng nặc hơn mỗi lần họ rửa chuồng. Đã nhiều lần hàng xóm tôi lên án, và tôi đã trực tiếp nhiều lần sang hộ gia đình đó kêu cửa nói: "Anh chị có biện pháp khắc phục chứ làm thế này gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến mọi người xung quanh". Xong hộ gia đình đó cũng chỉ có biện pháp vệ sinh chuồng trại lại thải thẳng xuống ao bên cạnh nhà. Cho tôi hỏi: Ở nội thành Hà Nội có được chăn nuôi lợn không và việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe người xung quanh thì có biện pháp xử lý, khắc phục như thế nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí theo quy định tại các Điều 56, Điều 59 và Điều 62 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định như sau:

- Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch

+ Nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ để điều hòa nguồn nước.

+ Hồ, ao, kênh, mương, rạch trong đô thị, khu dân cư phải được quy hoạch để cải tạo, bảo vệ.

- Quy định chung về bảo vệ môi trường đất

+ Bảo vệ môi trường đất là một trong những nội dung cơ bản của quản lý tài nguyên đất.

+ Quy hoạch, kế hoạch, dự án và các hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất và có giải pháp bảo vệ môi trường đất.

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất.

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

- Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí

+ Các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát.

+ Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại Điều 96 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định về thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường như sau:

1. Chất thải rắn thông thường phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý.

Nếu như trong quá trình thực hiện hoạt động chăn nuôi mà gây ô nhiễm môi trường xung quanh thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. 

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thải chất thải vệ sinh hầm cầu, hóa chất độc, các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường trái quy định về bảo vệ môi trường.

2. Đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 03 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 05 lần đối với thông số môi trường thông thường;

b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 lần đến dưới 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 05 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường...

 

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, hộ gia đình chăn nuôi lợn này không đảm về môi trường theo quy định của Luật môi trường: Đã gây ô nhiễm đến môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí xung quanh khu dân cư. Đối với trường hợp này, bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của hộ gia đình này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ô nhiễm môi trường

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào