Hồ sơ thanh toán BHYT được quy định như thế nào?

Con tôi đang học trường mầm non và có tham gia bảo hiểm 100.000đ/năm. Trong thời gian vừa qua cháu bị gãy tay và tôi làm thủ tục thanh toán bảo hiểm cho cháu nhưng đang gặp chút vấn đề: Cháu bị gãy tay nên ko nằm viện mà chỉ bó bột rồi về nhà, khi nộp hồ sơ tôi có sổ khám bệnh, phiếu chỉ định của bác sĩ, hóa đơn thanh toán và film chụp x quang, nhưng khi nộp cho nhà trường thì yêu cầu phải có giấy nhập viện và xuất viện mới làm thủ tục thanh toán được, con tôi ko nằm viện nên ko có giấy tờ này. Trường hợp của con tôi thì có được thanh toán bảo hiểm ko, và nếu có hay ko thì theo quy định nào. Cháu vẫn đang bó bột và chờ ngày khám lại để tháo bột, nếu được thanh toán bảo hiểm thì tôi nên chờ cháu tháo bột rồi làm tiếp thủ tục thanh toán hay làm ngay thời điểm này? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung 2014 quy định về phạm vi được hưởng BHYT như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau đây:

a) Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;

b) Khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh;

c) Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với đối tượng quy định tại các khoản 9, 13, 14, 17 và 20 Điều 12 của Luật này trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể điểm b khoản 1 Điều này; chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan ban hành danh mục thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế."

Như vậy đối tượng là học sinh tham gia bảo hiểm y tế khi tiến hành khám bệnh chữa bệnh kể cả gãy tay đều sẽ được hưởng bảo hiểm y tế, mức hưởng tùy từng trường hợp sẽ theo quy định của pháp luật về BHYT.

Để được thanh toán BHYT bạn chuẩn bị các giấy tờ sau đây:

– Giấy đề nghị thanh toán trực tiếp

– Bản sao thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị kèm theo giấy tờ chứng minh thân thân trong trường hợp thẻ bảo hiểm y tế không có ảnh.

– Bản sao giấy xuất viện nếu điều trị nội trú.

– Bản sao đơn thuốc hoặc thẻ y bạ nếu điều trị ngoại trú.

– Biên lai tiền viện phí, hóa đơn thuốc hợp lệ.

– Nếu khám chữa bệnh ở nước ngoài thì phải có các hồ sơ và chứng từ liên quan cùng với băn bản xác nhận của cơ sở chữa bệnh từ tối thiểu tuyến Tỉnh trở lên về tình trạng bệnh cùng với hướng điều trị trước khi người bệnh đi chữa bệnh tại nước ngoài hoặc quyết định đi học, công tác của cơ quan có thẩm quyền nếu việc khám chữa phát sinh trong quá trình học tập công tác ở nước ngoài.

– Trong trường hợp tai nạn gia thông, người bệnh cần nộp: hồ sơ bệnh án theo hướng dẫn, văn bản xác nhận không vi phạm luật giao thông của cơ quan công an từ tối thiểu cấp huyện.

– Nếu người bệnh không thể tự tới cơ quan bảo hiểm để làm các thủ tục theo quy định, người tới làm việc phải có ủy quyền hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

– Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, người làm thủ tục phải mang giấy tờ xác nhận là bố me, người giám hộ.

Như vậy, nếu điều trị ngoại trú như trường hợp của con bạn cần bản sao đơn thuốc hoặc thẻ y bạn. Nhà trường giải thích cần có giấy xuất viện và nhập viện mới thanh toán là không có căn cứ do Giấy nhập/xuất viện chỉ áp dụng với trường hợp điều trị nội trú.

BHYT sẽ được chi trả cho từng lần khám chữa bệnh vì thế bạn nên hoàn thiện luôn hồ sơ xin thanh toán BHYT cho mỗi lần khám chữa bệnh.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hồ sơ thanh toán BHYT. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Bảo hiểm y tế 2008 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm y tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào