Giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử được quy định như thế nào?

Giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Nguyễn Huy Anh (email: an***gmail.com, sdt: 016834****). Gần đây, tôi có xem tin tức thời sự và được biết hiện nay thương mại điện tử rất phát triển. Tuy nhiên, hoạt động này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và có khả năng phát sinh tranh chấp. Vậy việc giải quyết những tranh chấp này ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!

Việc giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử đã được quy định cụ thể tại Điều 76 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

Theo đó, việc giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử được quy định như sau:

1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý khiếu nại của khách hàng liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình.

2. Tranh chấp giữa thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng phải được giải quyết trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng công bố tại website vào thời điểm giao kết hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ không được lợi dụng các ưu thế của mình trên môi trường điện tử để đơn phương giải quyết những vấn đề tranh chấp khi chưa có sự đồng ý của khách hàng.

4. Việc giải quyết tranh chấp phải thông qua thương lượng giữa các bên, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án theo các thủ tục, quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp.

5. Giải quyết khiếu nại, tranh chấp trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:

a) Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải công bố rõ trên website quy trình tiếp nhận, trách nhiệm xử lý khiếu nại của khách hàng và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình;

b) Nếu thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không công bố thông tin theo quy định tại Điểm a Khoản này thì phải trực tiếp chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý khiếu nại của khách hàng và giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình;

c) Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được tham gia hòa giải tranh chấp phát sinh giữa khách hàng với người bán trên website thương mại điện tử của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào