Chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng

Chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu chung vợ chồng nhưng một người được uỷ quyền để giao kết hợp đồng đó. Năm 2002, vợ chồng anh T và chị D được bố mẹ anh T cho một thửa đất có diện tích 120m2. Sau một thời gian dành dụm, anh chị đã xây được một căn nhà có diện tích rộng 60m2 trên thửa đất đó. Tháng 8 năm 2006, cháu V con của anh T và chị D thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, anh chị muốn tạo điều kiện để cháu được học gần nhà nên muốn chuyển nhượng nhà, đất đang ở cho bà K để mua một ngôi nhà trên thị xã. Hai bên đã chọn ngày lành tháng tốt để đến ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nêu trên. Nhưng vào thời gian đó, chị D phải đi công tác xa nhà, do vậy anh T phải đến Uỷ ban nhân dân xã nơi anh chị cư trú gặp cán bộ tư pháp để hỏi thủ tục chứng thực hợp đồng. Cán bộ được phân công phụ trách tư pháp - hộ tịch sẽ hướng dẫn anh T giải quyết việc trên như thế nào?

Đây là trường hợp yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (tương tự như tình huống 2 trên đây). Tuy nhiên, trong trường hợp này, bất động sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng chung vợ chồng nhưng người vợ không thể cùng có mặt để giao kết hợp đồng. Để giải quyết tình huống trên đúng quy định của pháp luật, cần vận dụng các quy định về đại diện theo uỷ quyền trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và thẩm quyền, thủ tục, trình tự chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT.

Tại khoản 3 Điều 219 của Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định “vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”. Như vậy, trong trường hợp vợ mình đi vắng không thể có mặt để giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà thì anh T có thể thay mặt vợ mình để giao kết hợp đồng đó nếu được uỷ quyền.

Về thẩm quyền chứng thực

Theo quy định tại Điều 127 của Luật Đất đai năm 2003, trong trường hợp này, nếu anh T lựa chọn Uỷ ban nhân dân xã nơi có nhà, đất chuyển nhượng để yêu cầu chứng thực thì Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đó.

Về thủ tục, trình tự chứng thực

- Khi nhận được yêu cầu giải quyết sự việc, là Phó Chủ tịch phụ trách tư pháp - hộ tịch của Uỷ ban nhân dân xã, anh (chị) cần hướng dẫn anh T và những người có liên quan thực hiện các việc sau:

+ Trong thời gian chị D chưa đi công tác, chị D phải có văn bản uỷ quyền cho anh T thay mặt mình giao kết hợp đồng và đến Uỷ ban nhân dân xã để lập chứng thực văn bản uỷ quyền này;

+ Đến ngày giao kết hợp đồng như đã thoả thuận, anh T và bà K phải nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực gồm có: Phiếu yêu cầu chứng thực (ghi tại Uỷ ban nhân dân cấp xã); bản sao Giấy chứng minh nhân dân của anh T; văn bản uỷ quyền của chị D cho anh T thực hiện việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất;

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu chứng thực, anh (chị) cần đối chiếu các giấy tờ là bản sao với bản chính giấy tờ đó; nếu thấy hợp lệ thì ghi vào sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch và thực hiện tiếp các việc sau:

+ Xem xét nội dung hợp đồng đã được soạn thảo sẵn hoặc soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu của các bên giao kết hợp đồng;

+ Đọc lại nội dung hợp đồng cho các bên giao kết hợp đồng nghe hoặc yêu cầu họ tự đọc lại hợp đồng;

+ Đề nghị các bên giao kết ký vào hợp đồng trước mặt mình;

+ Trực tiếp ký chứng thực hợp đồng, giao dịch đó. 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quyền tài sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào