Kết hôn tại Sở Tư pháp Hà Nội, ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì cơ quan nào có thẩm quyền ghi chú ly hôn?

Năm 2010, chị gái tôi (có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) đăng ký kết hôn với anh Thomass, quốc tịch Bỉ tại Sở Tư pháp Hà Nội và sang Bỉ định cư từ đó đến nay. Sau thời gian chung sống, hai vợ chồng chị tôi thường xuyên nẩy sinh mâu thuẫn và họ đã làm thủ tục ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Bỉ năm 2014. Nay, chị tôi dự định sẽ về Việt Nam sinh sống và sẽ kết hôn với một người đàn ông ở trong nước. Tôi nghe nói là muốn làm thủ tục kết hôn ở trong nước thì chị tôi phải làm thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn do Tòa án của Bỉ giải quyết. Vậy, tôi muốn hỏi cơ quan nào có thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn của chị tôi? Thủ tục được pháp luật quy định như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì thẩm quyền ghi chú ly hôn được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

“1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký kết hôn hoặc ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn trước đây thực hiện ghi chú ly hôn.

Trường hợp việc kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây thực hiện tại Sở Tư pháp thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện.

Trường hợp việc kết hôn trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trên thực hiện.

Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú trước khi xuất cảnh của công dân Việt Nam thực hiện.”.

Đối chiếu với quy định trên thì UBND quận Đống Đa là cơ quan có thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn của chị của bạn. Thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn đã thực hiện ở nước ngoài được quy định tại Điều 50 Luật Hộ tịch và Điều 39 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, cụ thể như sau:

“1. Hồ sơ ghi chú ly hôn gồm các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai theo mẫu quy định;

b) Bản sao giấy tờ ly hôn đã có hiệu lực pháp luật.

2. Thủ tục ghi chú ly hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch của Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu việc ghi chú ly hôn không vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 37 hoặc không thuộc trường hợp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 của Nghị định này thì Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.

b) Nếu yêu cầu ghi chú ly hôn vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 37 hoặc thuộc trường hợp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 của Nghị định này thì Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để từ chối.

c) Nếu việc kết hôn trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân Cấp xã hoặc Sở Tư pháp thì sau khi ghi chú ly hôn, Phòng Tư pháp gửi thông báo kèm theo bản sao trích lục hộ tịch cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Sở Tư pháp để ghi chú tiếp vào Sổ hộ tịch; nếu được đăng ký tại cơ quan đại diện thì gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ghi chú tiếp vào Sổ hộ tịch.”

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kết hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào