phạm tội cản trở giao thông đường không theo quy định tại khoản 2 Điều 217 BLHS

Quy định của pháp luật về Phạm tội cản trở giao thông đường không theo quy định tại khoản 2 Điều 217?

    a) Là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý các thiết bị an toàn giao thông đường không

        Điểm a khoản 2 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt nhưng có cùng tính chất đó là: người có hành vi cản trở giao thông đường không là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không và người có hành vi cản trở giao thông đường không là người trực tiếp quản lý các thiết bị an toàn giao thông đường không. Cả hai trường hợp này người phạm tội đều là chủ thể đặc biệt, vì họ phải là người có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn các chuyến bay.

         Người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không là người theo pháp luật họ có trách nhiệm trực tiếp trong việc bảo đảm an toàn cho các chuyến bay như: nhân viên quản lý bay, nhân viên kiểm tra an toàn đường băng, nhân viên vận chuyển mặt đất…Nói chung họ là nhân viên phục vụ bay thuộc cảng hàng không, sân bay và nhân viên quản lý bay. Ví dụ: một nhân viên vận chuyển mặt đất đã để xe ô tô trên đường băng làm cản trở tàu bay cất cánh và hạ cánh. Khi xác định trường hợp phạm tội này, cần chú ý chỉ những người trực tiếp bảo đảm an toàn các chuyến bay mới thuộc trường hợp phạm tội này, nếu người có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các chuyến bay nhưng lại không có trách nhiệm trực tiếp như giám đốc cảng vụ, người đứng đầu cơ quan quản lý bay thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

         Người trực tiếp quản lý các thiết bị an toàn giao thông đường không là người trực tiếp quản lý và sử dụng các thiết bị phục vụ cho các chuyến bay an toàn như nhân viên ra đa, nhân viên phụ trách thông tin liên lạc…Các thiết bị an toàn cho các chuyến bay đa dạng, vì vậy khi xác định hành vi cản trở giao thông đường không đối với người trực tiếp quản lý các thiết bị an toàn đường không cần phải căn cứ vào các loại thiết bị mà người đó trực tiếp quản lý là loại thiết bị gì, có liên quan đến việc bảo đảm an toàn các chuyến bay không. Nếu các thiết bị đó không có liên quan gì đến an toàn giao thông đường không thì dù có hành vi cản trở giao thông đường không cũng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật.
        
        Cũng như đối với trường hợp bảo đảm an toàn cho các chuyến bay, người quản lý các thiết bị an toàn giao thông đường không phải là người trực tiếp quản lý các thiết bị đó, nếu họ chỉ là người gián tiếp quản lý các thiết bị đó thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật.
 
        b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng

            Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cản trở giao thông đường không gây ra là những thiệt hại rất nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác. Cũng như đối với các tội phạm về an toàn giao thông khác, đến nay chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cản trở giao thông đường không gây ra, nên có thể vận dụng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cản trở giao thông đường không gây ra.

         Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 217, thì người phạm tội bị tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

         Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 217, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào