Hướng dẫn thủ tục giám định lại thương tật cho thương binh khi vết thương tái phát

Chào luật sư. Bố tôi là thương binh loại A có tỷ lệ thương tật 23%. Năm 2016 vết thương ở bàn chân phải của bố tôi bị tái phát phải phẫu thuật để thay xương khớp giả tại bệnh viện 108. Vậy bố tôi có được đi giám định lại thương tật không. Nếu được thì thủ tục như thế nào? Tôi xin cảm ơn luật sư.

Căn cứ quy định tại Điểm g Khoản 4 Điều 30 Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì trường hợp các vết thương ở tay hoặc ở chân tái phát phải phẫu thuật cắt đoạn chi thì được giám định lại thương tật.

Đối chiếu trường hợp của bố bạn được kết luận là thương binh loại A với tỷ lệ thương tật 23%. Năm 2016 vết thương ở chân tái phát phải phẫu thuật để thay xướng khớp giả thì đây là trường hợp vết thương tái phát phải phẫu thuật cắt đoạn chi nên được giám định lại thương tật và điều chỉnh chế độ ưu đãi.

Về thủ tục, căn cứ quy định tại Điều 19, 20 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân thì thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (sau đây gọi chung là thương binh) làm đơn đề nghị giám định lại thương tật gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kèm bản sao bệnh án điều trị vết thương tái phát. Trường hợp phải phẫu thuật thì kèm phiếu phẫu thuật.

- Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ đang lưu tại Sở, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định (Cục Người có công), hồ sơ thẩm định gồm:

+ Đơn đề nghị giám định lại thương tật;

+ Bản sao bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện cấp huyện trở lên, trường hợp phẫu thuật phải có thêm phiếu phẫu thuật của bệnh viện cấp huyện trở lên;

+ Bản sao giấy chứng nhận bị thương;

+ Bản sao biên bản của các lần giám định trước;

+ Công văn đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trên, có trách nhiệm thẩm định và trả kết quả đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu những trường hợp đủ điều kiện (kèm hồ sơ đã thẩm định) ra Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền.

Nếu biên bản giám định thương tật lần cuối do Hội đồng giám định y khoa của quân đội, công an hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh khám giám định thì giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.

Nếu biên bản giám định thương tật lần cuối do Hội đồng giám định y khoa trung ương khám giám định thì giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa trung ương.

- Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền tổ chức khám giám định, xác định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận biên bản giám định lại thương tật, có trách nhiệm ra quyết định điều chỉnh chế độ ưu đãi.

Gia đình bạn có thể tham khảo thủ tục này để thực hiện giám định lại thương tật và điều chỉnh chế độ cho bố bạn.

 Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
204 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào