Những điều cần biết về phiếu lý lịch tư pháp?
1. Khái niệm: Khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định như sau:
Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
2. Đối tượng được cấp: Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 cũng quy định các đối tượng được quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:
- Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
- Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
3. Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009
- Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Sự khác biệt cơ bản của 2 phiếu này là ở chỗ Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi án tích chưa được xóa án. Nếu án đã được xóa thì ghi “không có án tích”. Phiếu số 2 ghi tất cả án tích mà không phân biệt đã được xóa hay chưa.
4. Thủ tục cấp: Theo Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009, thủ tục với cá nhân yêu cầu cấp Phiếu số 1 như sau:
- Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:
+ Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp phiếu;
+ Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp phiếu,
- Cá nhân nộp tờ khai yêu cầu cấp phiếu và các giấy tờ kèm theo tại các cơ quan sau đây:
+ Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;
+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
- Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp phiếu là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp thì không cần văn bản ủy quyền.
Theo Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp 2009, thủ tục đối với cá nhân yêu cầu cấp phiếu số 2 được thực hiện tương tự quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 45 nói trên nhưng không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu giấy xác nhận tuổi Đảng mới nhất 2024 và hướng dẫn cách ghi?
- Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tỉnh Quảng Ninh là bao nhiêu mét vuông?
- 20 khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2024?
- Lịch âm dương Tháng 11 2024 đầy đủ, chi tiết? Nước ta có ngày lễ lớn nào theo Lịch âm dương Tháng 11 2024 không?
- Tổng hợp Đề thi giữa kì 1 Toán 4 Cánh diều có đáp án tham khảo năm 2024-2025?