Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam”
Căn cứ Điều 14 Thông tư 16/2018/TT-BCT hướng dẫn thi hành công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam” được quy định như sau:
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam” (sau đây gọi là Kỷ niệm chương) có nội dung, hình dáng, kích cỡ, màu sắc thể hiện đặc trưng của ngành Công Thương và phù hợp với quy định của Nhà nước; được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng thưởng cho các cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
1. Đối với cá nhân trong ngành Công Thương:
a) Cá nhân đã hoặc đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, bao gồm các doanh nghiệp thuộc Bộ, các đơn vị quản lý nhà nước về Công Thương ở địa phương; cá nhân trực tiếp làm công tác Công Thương tại các đơn vị ngoài ngành Công Thương (đang làm việc hoặc đã chuyển sang ngành khác, đã nghỉ chế độ, nghỉ hưu), có thời gian công tác trong ngành tối thiểu 20 năm đối với nam, 15 năm đối với nữ; 10 năm đối với người trực tiếp lao động trong các nghề độc hại, nguy hiểm.
Thời gian cá nhân trong ngành Công Thương được cử đi làm nghĩa vụ quân sự, đi học tập trung hạn, dài hạn sau đó lại được điều động về công tác trong ngành Công Thương thì được tính là thời gian công tác liên tục trong ngành Công Thương; cá nhân bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên do cấp có thẩm quyền quyết định thì thời gian bị kỷ luật không được tính vào thâm niên xét tặng;
b) Các trường hợp không tính thâm niên công tác khi xét tặng:
Cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng Lao động; Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú công tác trong ngành Công Thương; Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; cá nhân có từ 03 công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành hoặc có 05 Bằng Lao động sáng tạo được áp dụng vào sản xuất.
2. Đối với cá nhân ngoài ngành Công Thương:
a) Cá nhân có sáng chế phát minh, công trình khoa học cấp Nhà nước được áp dụng trong ngành Công Thương, góp phần vào sự phát triển ngành Công Thương;
b) Cán bộ Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, hiệp hội (ở Trung ương, địa phương) và tương đương có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Sở Công Thương đề nghị;
c) Công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành Công Thương Việt Nam;
d) Cá nhân là người nước ngoài có công xây dựng, củng cố và phát triển quan hệ đối ngoại của ngành Công Thương Việt Nam hoặc có sự ủng hộ về tinh thần, vật chất cho sự phát triển ngành Công Thương Việt Nam.
3. Trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định.
4. Các trường hợp không được xét tặng Kỷ niệm chương:
a) Cá nhân đã được tặng một trong các Kỷ niệm chương sau: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thương mại”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương”;
b) Người đã tự ý bỏ việc khỏi đơn vị;
c) Người bị kỷ luật nhưng chưa hết thời hiệu kỷ luật; người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích.
Trên đây là nội dung tư vấn về Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam”. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Thông tư 16/2018/TT-BCT. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu giấy xác nhận tuổi Đảng mới nhất 2024 và hướng dẫn cách ghi?
- Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tỉnh Quảng Ninh là bao nhiêu mét vuông?
- 20 khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2024?
- Lịch âm dương Tháng 11 2024 đầy đủ, chi tiết? Nước ta có ngày lễ lớn nào theo Lịch âm dương Tháng 11 2024 không?
- Tổng hợp Đề thi giữa kì 1 Toán 4 Cánh diều có đáp án tham khảo năm 2024-2025?