Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh mục các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính mới nhất

Xử lý vi phạm hành chính là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế mà pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

* Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

+ Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

+ Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

+ Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;

- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

* Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

- Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

- Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Danh mục các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính mới nhất (Hình từ Internet)

2. Thời hiệu, thời hạn xử lý vi phạm hành chính

* Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;

- Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

* Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

* Cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính

- Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc.

- Thời gian ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau.

3. Danh mục các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính mới nhất

Dưới đây là các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính chi tiết nhất:

1

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

Luật Xử lý vi phạm hành chính số hiệu 15/2012/QH13 có hiệu lực ngày 01/07/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.

2

Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020

Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2022 số hiệu 67/2020/QH14 có hiệu lực ngày 01/01/2022 sửa đổi một số điều về thẩm quyền quy định xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn cũng như giao quyền, giải trình về xử phạt vi phạm hành chính.

3

Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định 118/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

4

Nghị định 120/2021/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Nghị định 120/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn) và việc xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình (sau đây gọi là biện pháp quản lý tại gia đình).

5

Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Nghị định 19/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 31/03/2020 quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

6

Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Nghị định 166/2013/NĐ-CP có hiệu lực ngày 28/12/2013 quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (sau đây gọi chung là cưỡng chế), trách nhiệm thi hành và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế.

7

Nghị định 138/2021/NĐ-CP quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Nghị định 138/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (sau đây viết gọn là tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu), giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (sau đây viết gọn là giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ); trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan và người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

8

Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính

Nghị định 135/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 quy định về việc quản lý, sử dụng, đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính và việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

9

Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất

Nghị định 142/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 quy định về đối tượng áp dụng, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; quyền, nghĩa vụ của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thi hành hình thức xử phạt trục xuất.

10

Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc

Nghị định 140/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 quy định về lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc; chế độ, quản lý, giáo dục; trình tự, thủ tục về lập hồ sơ hoãn, miễn, giảm thời hạn; tạm thời đưa học sinh ra khỏi trường giáo dưỡng, trại viên ra khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; tạm đình chỉ thi hành quyết định, hủy quyết định đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

11

Thông tư 82/2022/TT-BTC quy định nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 82/2022/TT-BTC có hiệu lực ngày 15/02/2023 quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP.

12

Thông tư 14/2021/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 19/2020/NĐ-CP kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 14/2021/TT-BTP có hiệu lực ngày 14/02/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về thẩm quyền kiểm tra; điều chỉnh kế hoạch kiểm tra; thời hạn kiểm tra; công khai kết luận kiểm tra, kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

13

Thông tư 05/2017/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 05/2017/TT-BTC có hiệu lực ngày 02/03/2017 hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. Thông tư 05/2017/TT-BTC không áp dụng đối với chi phí cưỡng chế trong lĩnh vực thuế, hải quan.

14

Nghị quyết 24/2012/QH13 thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính do Quốc hội ban hành

Nghị quyết 24/2012/QH13 có hiệu lực ngày 20/06/2012 thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

15

Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng 2022

Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực ngày 01/09/2022 quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

16

Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân 2022

Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 có hiệu lực ngày 01/02/2023 quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là biện pháp xử lý hành chính); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.216.70.205
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!