Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách các văn bản hướng dẫn về An ninh, trật tự mới nhất 2024

An ninh, trật tự là cách viết gọn của cụm từ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ an ninh, trật tự đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội. Dưới đây là tổng hợp các văn bản hướng dẫn vấn đề an ninh, trật tự mới nhất hiện nay.

1. Bảo vệ an ninh quốc gia là gì? Nội dung quản lý nhà nước về an ninh quốc gia bao gồm những gì?

Khoản 1 Điều 3 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định, an ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công an nhân dân 2018 bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và loại trừ nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Tại Điều 29 Luật An ninh quốc gia 2004 có quy định về nội dung quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, cụ thể bao gồm các nội dung sau đây:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia; ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia.

- Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia.

- Tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, đào tạo cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh quốc gia; bồi dưỡng kiến thức bảo vệ an ninh quốc gia cho cán bộ chủ chốt của các cơ quan, tổ chức; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về bảo vệ an ninh quốc gia; xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia.

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia.

- Hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh quốc gia.

Danh sách các văn bản hướng dẫn về An ninh, trật tự mới nhất 2024 (Hình từ Internet)

2. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội là gì? Bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Công an nhân dân 2018 bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội.

Tại Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023, cách bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như sau:

- Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật này.

- Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Địa bàn phụ trách của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

- Căn cứ tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đến từng đơn vị hành chính cấp xã.

- Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và từng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Như vậy, tùy vào tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên, mỗi địa phương sẽ quy định tiêu chí riêng về thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn về an ninh, trật tự mới nhất 2024

Dưới đây là danh sách các văn bản hướng dẫn liên quan đến an ninh, trật tự mới nhất được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp:

1

Luật An ninh Quốc gia 2004

Luật An ninh Quốc gia 2004 số 32/2004/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/07/2005 quy định về chính sách an ninh quốc gia; nguyên tắc, nhiệm vụ, biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong đó, nội dung tại Chương II Luật này quy định về vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia với một số điều khoản đáng chú ý, chẳng hạn như quy định về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia tại Điều 14 hay quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia tại Điều 17.

2

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 số 30/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trong đó, nội dung tại Chương II Luật này quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với một số quy định đáng chú ý như quy định tại Điều 7 về hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự, hay quy định tại Điều 11 về hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở. Ngoài ra, Chương III Luật này quy định chi tiết về xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

3

Luật Công an nhân dân 2018

Luật Công an nhân dân 2018 số 37/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Một số nội dung đáng chú ý trong Luật này liên quan đến an ninh, trật tự có thể kể đến như quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân tại Điều 16, hay quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân tại Điều 12 và Điều 13.

4

Nghị định 06/2014/NĐ-CP về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Nghị định 06/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/03/2014 quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm và bảo đảm điều kiện áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (sau đây gọi chung là bảo vệ an ninh, trật tự); chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

Trong đó, nội dung tại Chương II Nghị định này quy định về nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm, hình thức, trình tự, thủ tục và bảo đảm điều kiện áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự. 

5

Nghị định 35/2011/NĐ-CP về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Nghị định 35/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/07/2011 quy định nội dung, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm và bảo đảm điều kiện cho việc áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến như quy định về nguyên tắc áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự tại Điều 4, quy định về nội dung biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự tại Điều 5 hay thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự tại Điều 6.

6

Nghị định 127/2006/NĐ-CP về việc bảo đảm điều kiện cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Nghị định 127/2006/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/11/2006 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân về việc bảo đảm điều kiện về ngân sách, cơ sở vật chất, huy động thành tựu khoa học và công nghệ, dự trữ quốc gia để phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Một số nội dung đáng chú ý trong Nghị định này là quy định tại Điều 4 về nội dung bảo đảm điều kiện cho hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, quy định tại Điều 7 về Bảo vệ bí mật nhà nước trong bảo đảm điều kiện cho hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, hay quy định tại Điều 8 về ngân sách bảo đảm cho các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự.

7

Nghị định 40/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Nghị định 40/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định về trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mà bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến như quy định về trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 4 hay quy định về điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ tại Điều 5.

Ngoài ra, Nghị định này còn ban hành các mẫu trang phục của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Phụ lục I.

8

Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng

Nghị định 77/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/08/2017, Nghị định này quy định các nội dung sau đây:

- Thủ tục biên phòng; kiểm tra, giám sát biên phòng; cấp thị thực, Giấy phép đi bờ của thuyền viên, Giấy phép xuống tàu và Giấy phép do Bộ đội Biên phòng cấp tại cửa khẩu cảng;

- Quản lý hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự của người Việt Nam, người nước ngoài, tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài (sau đây viết chung là tàu thuyền nước ngoài) và các loại phương tiện khác của Việt Nam, nước ngoài tại cửa khẩu cảng;

- Trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có cửa khẩu cảng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng; lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cảng trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.

Trong đó, nội dung tại Chương III Nghị định này quy định về hoạt động của người, phương tiện tại cửa khẩu, và Chương IV quy định về trách nhiệm trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu.

9

Nghị định 93/2022/NĐ-CP về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không

Nghị định 93/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/12/2022 quy định việc quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại cửa khẩu đường hàng không; khu vực cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này như quy định về bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không tại Điều 6, quy định về kiểm soát về an ninh, trật tự đối với người vào, ra, hoạt động tại khu vực cách ly xuất nhập cảnh tại Điều 7 hay quy định về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không tại Điều 8.

10

Thông tư 14/2024/TT-BCA hướng dẫn Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 14/2024/TT-BCA  có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định về: Hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; trình tự, thủ tục thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, công nhận thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; trình tự, thủ tục điều chỉnh số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này như quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại Điều 3, quy định về huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 6 hay quy định về trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 8.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.40.151
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!