Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tiền công đức: Tổng hợp quy định pháp luật mới nhất

Dưới đây là danh sách văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền công đức được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp.

1. Tiền công đức là gì?

Định nghĩa tiền công đức được quy định tại Điều 3 Thông tư 04/2023/TT-BTC. Theo đó tiền công đức là các khoản tiền hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức:

- Bằng tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền chuyển khoản;

- Bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tổng hợp văn bản về quản lý tiền công đức (Hình từ Internet)

2. Hình thức tiếp nhận tiền công đức

Điều 9 Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định các hình thức tiếp nhận tiền công đức như sau:

- Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

- Tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.

Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.

Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.

Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ đã tiếp nhận.

- Tiếp nhận giấy tờ có giá trị;

- Tiếp nhận kim khí quý, đá quý.

3. Tiền công đức có thuộc các khoản đóng được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân không?

Theo Điều 20 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (quy định liên quan đến việc xác định thuế đối với cá nhân kinh doanh bị bãi bỏ bởi khoản 4 Điều 6 Luật Sửa đổi các Luật về thuế 2014) quy định:

Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo

1. Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:

a) Khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa;

b) Khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

2. Tổ chức, cơ sở và các quỹ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận.

Như vậy. tiền công đức không thuộc các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo nên không được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân.

4. Tổng hợp văn bản về quản lý tiền công đức mới nhất

1

Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016

Điều 56 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định về quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Theo đó, tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Và phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật số 02/2016/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

2

Nghị định 95/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Nghị định 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quy định tại Điều 56 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, có hiệu lực từ ngày 30/03/2024.

3

Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội

Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam, theo đó tại Khoản 6 Điều 19 giao Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Nghị định 110/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.

4

Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực từ ngày 19/03/2023.

5

Công điện 77/CĐ-TTg năm 2024 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ điện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật. Là nội dung đáng chú ý tại Công điện 77/CĐ-TTg ngày 08/08/2024 để tăng cường quản lý tiền công đức.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.128.171.192
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!