Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách văn bản cần biết về hoạt động thủy lợi mới nhất

Dưới đây là những văn bản quan trọng về hoạt động thủy lợi do THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp.

1. Thủy lợi là gì? Nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi được quy định như thế nào?

Khoản 1 Điều 2 Luật Thủy lợi 2017 quy định "thủy lợi" là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước.

Hoạt động thủy lợi bao gồm điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Theo Điều 3 Luật Thủy lợi 2017 thì nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi được quy định cụ thể như sau:

- Phù hợp với nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, kết hợp theo đơn vị hành chính, phục vụ đa mục tiêu.

- Bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

- Chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước giữa các mùa và vùng; bảo đảm yêu cầu sản xuất, sinh hoạt theo hệ thống công trình thủy lợi, lưu vực sông, vùng và toàn quốc.

- Sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bảo đảm số lượng, chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; huy động sự tham gia của toàn dân trong hoạt động thủy lợi.

- Tổ chức, cá nhân được sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và phải trả tiền theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trước những tác động bất lợi trong quá trình xây dựng và khai thác công trình thủy lợi.

Danh sách văn bản cần biết về hoạt động thủy lợi mới nhất (Hình từ Internet)

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi

Căn cứ Điều 8 Luật Thủy lợi 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi, cụ thể là:

- Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi.

- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi.

- Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi.

- Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

- Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi.

- Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi.

- Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố.

- Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

- Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật Thủy lợi 2017.

3. Tổng hợp văn bản quy định về hoạt động thủy lợi mới nhất

1

Luật Thủy lợi 2017

Luật Thủy lợi 2017 số 08/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.

Trong đó, Chương III Luật này quy định về đầu tư công trình thủy lợi; Chương IV quy định về quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện; Chương VIII quy định về quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi.

2

Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018

Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 số 35/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Trong đó, Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Thủy lợi tại Điều 14 với một số nội dung đáng chú ý như là:

- Sửa đổi, bổ sung Điều 11 về quy hoạch thủy lợi tại Khoản 2 Điều 14;

- Sửa đổi, bổ sung Điều 12 về nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi tại Khoản 3 Điều 14;

- Sửa đổi, bổ sung Điều 13 về nội dung quy hoạch thủy lợi tại Khoản 4 Điều 14.

3

Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi

Nghị định 67/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định về phân loại, phân cấp công trình thủy lợi; năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Trong đó, Chương III quy định về năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; Chương IV quy định về cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

4

Nghị định 40/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi

Nghị định 40/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2023.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi, chẳng hạn như là:

- Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 67/2018/NĐ-CP về phân loại công trình thủy lợi;

- Sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định 67/2018/NĐ-CP về yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước;

- Sửa đổi, bổ sung Điều 28 Nghị định 67/2018/NĐ-CP về hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép.

5

Nghị định 77/2018/NĐ-CP quy định về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Nghị định 77/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, bao gồm: Đầu tư xây dựng mới công trình tích trữ nước, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trạm bơm điện, cống và kiên cố kênh mương đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước tại Điều 4, quy định về hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tại Điều 5; hay quy định về hồ sơ và thủ tục nhận hỗ trợ tại Điều 9.

6

Nghị định 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Nghị định 96/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, lộ trình thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (bao gồm giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác); đối tượng, phạm vi, phương thức; mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Một số nội dung nổi bật tại Nghị định này là quy định về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi tại Điều 3; quy định về đối tượng và phạm vi được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi tại Điều 11; hay quy định về mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi tại Điều 12.

7

Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước

Nghị định 114/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/09/2018 quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đối với đập có chiều cao từ 5 m trở lên hoặc hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 50.000 m2 trở lên và an toàn cho vùng hạ du đập.

Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trong giai đoạn xây dựng; Chương III quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trong giai đoạn khai thác.

8

Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều

Nghị định 03/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/01/2022 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.

Trong đó, Chương III Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thủy lợi, với một số hành vi vi phạm đáng chú ý như là:

- Vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi tại Điều 19;

- Vi phạm quy định về đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại Điều 20;

- Vi phạm quy định về sử dụng phương tiện giao thông đi trên công trình thủy lợi tại Điều 25.

9

Nghị định 62/2018/NĐ-CP về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Nghị định 62/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/05/2018 quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Một số nội dung nổi bật tại Nghị định này là quy định tại Điều 3 về đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Điều 4 về mức hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; hay Điều 5 về phương thức hỗ trợ và nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

10

Thông tư 27/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 27/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 28/02/2023 hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi gồm: định mức lao động; định mức tiêu thụ điện năng bơm nước tưới; định mức tiêu thụ điện năng bơm tiêu nước; định mức tiêu hao vật tư, nhiên liệu cho bảo dưỡng, vận hành máy móc, thiết bị; định mức chi phí quản lý doanh nghiệp.

11

Thông tư 73/2018/TT-BTC hướng dẫn sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 73/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/10/2018 hướng dẫn về nguồn tài chính, quản lý, sử dụng nguồn tài chính, hạch toán kế toán và chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát tài chính đối với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Điều 38 Luật Thủy lợi.

Đáng chú ý, Chương III Thông tư này quy định về sử dụng nguồn tài chính trong các đơn vị khai thác công trình thủy lợi với một số điều khoản nổi bật như:

- Điều 7 quy định về nguyên tắc sử dụng nguồn tài chính;

- Điều 8 quy định về sử dụng nguồn tài chính đối với doanh nghiệp;

- Điều 11 quy định về quy định về việc sử dụng nguồn tài chính trong đơn vị khai thác công trình thủy lợi.

12

Thông tư 08/2020/TT-BTC quy định về giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 08/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/04/2020 quy định về giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hình thức thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 35 Luật Thủy lợi và Điểm a, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi của 02 công trình Âu Báo Văn và Âu Mỹ Quan Trang thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

13

Thông tư 09/2020/TT-BTC quy định về khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 09/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/04/2020 quy định về khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 35 Luật Thủy lợi và Điểm a Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

14

Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định về lập, ban hành và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi; điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này có thể kể đến như là quy định yêu cầu về quy trình vận hành công trình thủy lợi tại Điều 3; quy định về vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tại Điều 16; hay quy định về các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới tại Điều 19.

15

Thông tư 03/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 03/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/08/2022.

Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Thủy lợi.

16

Quyết định 2028/QĐ-BTNMT năm 2024 công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các đập, hồ chứa, của các công trình thủy lợi, thủy điện do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Quyết định 2028/QĐ-BTNMT có hiệu lực từ ngày 24/07/2024.

Quyết định này ban hành kèm theo Danh mục giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu 736 đập, hồ chứa của 655 công trình thủy lợi, thủy điện, cụ thể:

- Công trình thủy điện: 686 đập, hồ chứa của 608 công trình.

- Công trình thủy lợi: 50 đập, hồ chứa của 47 công trình.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.133.206
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!