Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Toàn bộ quy định về Hoạt động từ thiện mới nhất

Vận động từ thiện, kêu gọi quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố là hoạt động hỗ trợ tự nguyện và được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để tránh rủi ro pháp lý không đáng có.

1. Ai được kêu gọi từ thiện?

Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP có quy định tổ chức, cá nhân được vận động đóng góp từ thiện bao gồm:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập - sau đây gọi là Ban Vận động) tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật;

- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai;

- Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

- Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP;

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

- Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Quy định pháp luật về hoạt động từ thiện (Hình từ Internet)

2. Điều kiện để cá nhân kêu gọi quyên góp từ thiện?

Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 2 và Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định:

Đối tượng áp dụng

1.  Các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện:

h) Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện

1. Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

2. Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Như vậy, cá nhân được đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện phải là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, khi kêu gọi thì phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông và UBND cấp xã nơi cư trú. Đồng thời, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc quyên góp, phải sao kê, biên nhận đầy đủ và không được nhận thêm quyên góp sau khi đã hết thời gian tiếp nhận đã cam kết.

3. Danh sách văn bản quy định về hoạt động từ thiện hiện hành

1

Bộ luật hình sự 2015

Người nào có kêu gọi quyên góp nhưng không làm mà trục lợi từ tiền quyên góp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 01/1/2018.

2

Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 sửa đổi Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, có hiệu lực từ ngày 01/1/2018.

3

Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/12/2021 quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

4

Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

5

Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em

Theo Điều 10 Nghị định 130/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định về mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn;

+ Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng;

+ Tráo đổi hàng cứu trợ.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc bồi hoàn lại số tiền, hàng cứu trợ bị hư hỏng, thất thoát;

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

+ Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho người sử dụng hàng cứu trợ bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm.

6

Nghị định 136/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Ngày 23/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 136/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung về định nghĩa; điều kiện đối với tên quỹ từ thiện; bổ sung quy định về tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tên, biểu tượng và trụ sở của quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Nghị định 136/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ này 10/12/2024.

7

Thông tư 41/2022/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Cá nhân thực hiện vận động các hoạt động xã hội, từ thiện khi tiếp nhận tài trợ bằng tiền từ các nhà tài trợ để thực hiện các hoạt động này phải thực hiện các quy định sau:

- Cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định, không được nhận tiền tài trợ vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động;

- Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt: Cá nhân tiếp nhận có trách nhiệm bảo quản an toàn tiền mặt; trường hợp chưa sử dụng có thể đem gửi vào tài khoản được mở riêng cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng;

- Trường hợp tiếp nhận bằng ngoại tệ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện trong nước: Cá nhân tiếp nhận bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và quản lý, sử dụng tiền Việt Nam để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định;

- Lãi tiền gửi sau khi trừ đi chi phí thanh toán được bổ sung tăng nguồn tài trợ;

- Lập Sổ tổng hợp ghi chép số liệu theo quy định.

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 41/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/09/2022.

8

Thông tư 04/2020/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Thông tư 04/2020/TT-BNV ban hành 18 mẫu văn bản áp dụng cho quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức, cá nhân liên quan quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 01/12/2020.

9

Thông tư 18/2023/TT-BNV bãi bỏ một phần Thông tư 04/2020/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Thông tư 18/2023/TT-BNV bãi bỏ Điều 2, Điều 3 Thông tư số 04/2020/TT-BNV hướng dẫn Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Có hiệu lực từ ngày 01/2/2024.

10

Hướng dẫn 95/HD-MTTW-BTT năm 2023 thực hiện nội dung Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Hướng dẫn 95/HD-MTTW-BTT hướng dẫn thực hiện việc tổ chức kêu gọi, vận động và hưởng ứng lời kêu gọi tại Điều 6; về thành phần và nhiệm vụ Ban Vận động cứu trợ tại Điều 7; việc kéo dài thời gian vận động, tiếp nhận và phân phối tại Điều 8; về Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Khoản 1 Điều 25; về việc xây dựng quy chế phối hợp ở cấp tỉnh tại Khoản 8 Điều 25 Nghị định 93/2021/NĐ-CP.

Hướng dẫn 95/HD-MTTW-BTT có hiệu lực từ ngày 04/01/2023.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.47.177
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!