Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới nhất

Dưới dây là tổng hợp văn bản về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới nhất được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp

1. Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là gì?

Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 , sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mặc dù sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bao gồm:

- Sản phẩm, hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;

- Sản phẩm, hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng;

- Sản phẩm, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.

Tổng hợp văn bản về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới nhất (Hình từ internet)

2. Bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra

Theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:

Bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 35 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

d) Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa;

đ) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng;

e) Tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều này cùng gây thiệt hại thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh đó phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

5. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra

Theo Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

- Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại;

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Danh sách văn bản về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới nhất

1

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 có hiệu lực từ 01/07/2024, quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 có hiệu lực từ 01/07/2016, quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự;...

Theo đó tại Điều 91, Điều 187, Luật này quy định về nghĩa vụ chứng minh, quyền khởi kiện vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 có hiệu lực từ 01/07/2013, quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.

Tại  Khoản 1 Điều 24 Luật này đã được sửa đổi. bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với cá nhân đến 200.000.000 đồng.

4

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/10/2020, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại Mục 9 Chương II Nghị định này quy định về  hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5

Nghị định 55/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định 55/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/07/2024, hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại Điều 17 Nghị định này, biện pháp cần thiết để ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật quy định như sau:

- Trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và pháp luật về việc chậm trễ thực hiện việc ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.

6

Thông tư 65/2022/TT-BTC hướng dẫn Khoản 2, Điều 91 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 65/2022/TT-BTC có hiệu lực từ 01/01/2023, hướng dẫn Khoản 2, Điều 91 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, xác định số lợi bất hợp pháp là tiền như sau:

- Số lợi bất hợp pháp có được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi VPHC và được tính bằng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ vi phạm sau khi đã trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ…

- Căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi VPHC bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ nhân (x) với đơn giá hàng hóa, dịch vụ trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ.

7

Quyết định 2017/QĐ-BCT năm 2024 công bố thủ tục hành chính mới và sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương

Quyết định 2017/QĐ-BCT có hiệu lực từ 31/7/2024, công bố thủ tục hành chính mới và sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.

Theo Phụ lục Quyết định này, 02 thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung gồm có:

- Đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương (TTHC cấp Trung ương);

- Đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc thẩm quyền của địa phương (TTHC cấp tỉnh).

8

Quyết định 07/2024/QĐ-TTg về Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 07/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ 01/07/2024, quy định về  Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Phụ lục Quyết định này, 08 loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung từ 01/7/2024 như sau:

- Cung cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt

- Cung cấp nước sinh hoạt

- Truyền hình trả tiền

- Dịch vụ viễn thông di động mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet)

- Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ truy nhập Internet)

- Vận chuyển hành khách đường hàng không

- Vận chuyển hành khách đường sắt

- Mua bán căn hộ chung cư.

9

Quyết định 42/QĐ-CA năm 2021 công bố án lệ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Quyết định 42/QĐ-CA có hiệu lực từ 12/03/2021, công bố án lệ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Tại Quyết định này công bố Án lệ số 42/2021/AL1 về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài.

10

Chỉ thị 30-CT/TW năm 2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Chỉ thị 30-CT/TW có hiệu lực từ 22/01/2019, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.

Để phát huy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

-  Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.148.108.144
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!